Sự hài lòng của khách hàng là uy tín và lợi nhuận của công ty
Tìm kiếm sản phẩm, tin tức
Chuyển đến báo giá

"Tham gia vào chuỗi cung ứng của Boeing không khó, chỉ cần doanh nghiệp cơ khí muốn và quyết tâm, không biết hãng sẽ hướng dẫn,..."

Ngày 30-05-2024 Lượt xem 240

Đó là khẳng định của ông Michael Nguyễn, Giám đốc quốc gia Việt Nam trong buổi làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) chiều ngày 8/5/2024 tại Hà Nội.

Ông Michael Nguyễn mong muốn hỗ trợ và sớm nhìn thấy nhiều doanh nghiệp cơ khí và doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hơn nữa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu không chỉ của Boeing mà cả của các tập đoàn lớn của Mỹ. Và đây là những hoạt động thiết thực mà Boeing triển khai sau các cuộc gặp cấp cao giữa Boeing với Việt Nam. Cuối năm 2023, trong buổi làm việc với Phó Chủ tịch cao cấp của Tập đoàn Boeing, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Nguyễn Hồng Diên đã khẳng định: “Công nghiệp hàng không vũ trụ đã được đưa vào danh mục các ngành công nghiệp công nghệ cao được Việt Nam ưu tiên đầu tư phát triển. Trong ngành cơ khí chế tạo, Việt Nam đã hình thành những tập đoàn lớn thuần Việt có năng lực”. 

Khẳng định với đối tác Boeing, Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Chủ tịch VAMI cho biết, tham dự cuộc họp này, hiệp hội mời rất nhiều doanh nghiệp có năng lực tham gia chuỗi cung ứng của Boeing. Họ là những đơn vị đã tham gia nhiều với các doanh nghiệp khác của Mỹ, Đức và Nhật,… nên không có lý gì lại không làm được với chuỗi cung ứng của Boeing. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần có thời gian và hiểu về quy trình, cần biết họ làm gì và như thế nào? Theo Ông Sáng, VAMI có gần 200 thành viên lớn nhỏ, thuộc đủ mọi thành phần và có những doanh nghiệp đạt được doanh thu 5-10 triệu lên tới 1-2 tỷ USD.

Trong số đó có thể kể tên các doanh nghiệp thuộc các ngành cơ khí viễn thông, xây dựng, đóng tàu, nông nghiệp, CNHT,… như M3 -Viettel, Lilama, Thaco-Trường Hải, Hyundai Thành Công, VEAM…  cụ thể,

Công ty Thông tin M3 (một thành viên của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân Đội) vừa chính thức trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên tham gia vào chuỗi cung ứng của ngành Hàng không Vũ trụ toàn cầu theo thông báo của Tập đoàn Vũ trụ Meggitt. Lilama thành công trong việc lắp ráp những Dự án Hydro xanh Neom trị giá hàng trăm triệu USD. Việc bàn giao những mô-đun điện phân đầu tiên cho Ả-rập Xê-út đánh dấu sự hợp tác thành công thứ hai giữa Lilama và Công ty phát triển công nghệ Hydro xanh hàng đầu thế giới Thyssenkrupp Nucera của Đức. Trước đó, hai bên đã hoàn thành việc thiết kế, mua sắm, chế tạo và tổ hợp 2 mô-đun điện phân 20MW cho Nhà máy Hydro xanh tại bang Arizona của Mỹ.

Các doanh nghiệp thành viên VAMI đến tham dự trong tư thế sẵn sàng, họ đã chuẩn bị sẵn các profile và brochure doing nghiệp để phía Boeing có thể nắm bắt nhanh hơn năng lực của từng doan nghiệp có thể tham gia vào những chi tiết, thiết bị gì.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cơ khí, doanh nghiệp CNHT,… thành viên của VAMI cũng đã có kinh nghiệm tham gia chuỗi cung ứng khi sản xuất và xuất khẩu nhiều đơn hàng cho nhiều tập đoàn lớn như Intel (Mỹ), Samsung (Hàn Quốc), Toyota, Honda,…. (Nhật Bản) đến từ châuMỹ, châu Âu và châu Á,

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp cơ khí tư nhân, doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng,… đã đầu tư cho công tác nghiên cứu - phát triển, máy móc thiết bị để theo đuổi các mục tiêu lớn hơn trong lĩnh vực công nghệ cao, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh dân dụng hoàn toàn có thể trở thành những đối tác tiềm năng của Boeing trong tương lai. 

Cần thay đổi tư duy

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Chỉ Sáng và ông Michael Nguyễn, nhiều khi các doanh nghiệp Việt vẫn nghĩ tham gia vào chuỗi cung ứng của Boeing là điều viển vông, và họ còn không biết mình đã tham gia vào chuỗi rồi, chỉ biết khi Boeing đến thăm quan và chỉ ra là họ đã làm cái này cái kia cho công ty A, cung ứng cho Boeing. Và đó là lý do mà hiện, các doanh nghiệp tham gia được vào chuỗi cung ứng hàng không vũ trụ vẫn chủ yếu đến từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Các doanh nghiệp thuần Việt Nam mới chỉ sản xuất được những linh phụ kiện nhỏ, giá trị gia tăng chưa cao.

Hãy mạnh dạn, tự tin làm việc với Tập đoàn, và hiểu họ muốn điều gì? Muốn sản xuất những linh kiện gì? Muốn doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia ở những cung đoạn nào trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Doanh nghiệp Việt có thể thẳng thắn trao đổi mình có thể làm được gì và cần hoàn thiện những gì? Cần bao lâu thời gian và cần nâng cấp những hạng mục gì để đáp ứng tiêu chí của Tập đoàn.

Ông Michael Nguyễn tha thiết chia sẻ,  các  doanh nghiệp “Hãy chú tâm vào chất lượng và coi như sản xuất linh kiện đó cho chiếc máy bay mà gia đình mình và những người thân của mình sẽ ngồi lên đódo đó cần làm tốt nhất có thể.”

Các doanh nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ trong và ngoài nước hoàn toàn có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng linh kiện, thiết bị ngành công nghiệp hàng không vũ trụ toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Bước đầu có thể trở thành những đơn vị cùng tham gia với những đại lý cấp 1 của Boeing để nâng cao kinh nghiệm và vừa làm vừa xin các chứng chỉ.

Tuy nhiên, theo ông Michael Nguyễn, đó cũng là bước đầu rất tốt. Sản xuất những linh kiện đó nhỏ, nhưng giá trị cũng khá cao, Ông Michael cũng lưu ý, các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam chú ý đặc biệt yêu cầu khắt khe đối với độ chính xác và độ ổn định của chất lượng các đơn hàng. Đây có lẽ là lý do mà nhiều doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đắn đo không muốn tham gia. Đây là cái khó nhất mà doanh nghiệp Việt cần vượt qua. Nhưng làm được, dù lợi nhuận ban đầu không cao, nhưng qua đó, các doanh nghiệp Việt khẳng định được thương hiệu. Họ sẽ có nhiều đơn hàng lớn đến từ các doanh nghiệp khác của Mỹ.

Về phía doanh nghiệp tham gia tọa đàm này, họ đều cho rằng tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp châu Âu khó hơn  châu Á và để tham gia với các doanh nghiệp Mỹ còn khó hơn. Nhưng không thể không nắm bắt xu hướng. Ông Michael Nguyễn khuyến cáo cơ hội không phải là mãi mãi các doanh nghiệp nên tranh thủ thời cơ này nhất là sau khi Mỹ và Việt Nam ký hợp tác chiến lược toàn diện.  “Chúng ta chỉ còn 2 năm nữa thôi nếu không tranh thủ sự ủng hộ của cấp chính phủ hai nước thì sau này sẽ khó hơn nhiều”.

Thị trường đầy tiềm năng

Cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam còn rất lớn khi so với 11.000 nhà cung cấp trên thế giới, đến nay, hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới này đang chỉ có 7 nhà cung cấp linh kiện đặt cơ sở tại Việt Nam từ hơn chục năm nay. Các nhà cung cấp này tham gia vào quá trình sản xuất một số bộ phận của máy bay thương mại Boeing như linh kiện cho cánh máy bay, cửa ra vào của máy bay... Boeing đang chú tâm đến thị trường Việt Nam, Ấn Độ, Thổ Nhĩ kỳ, Brasil,… Ông Michael Nguyễn cho rằng tất cả các Giám đốc quốc gia đều quan tâm đến việc mở rộng chuỗi cung ứng cho quốc gia của họ và ông cũng không ngoại lệ. Nhận thấy các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam không phải non trẻ mà họ đã làm được nhiều công trình rồi, Việt Nam rất có tiềm năng cho lĩnh vực này. Vậy làm thể nào các doanh nghiệp đi đúng hướng, đúng đường, đúng yêu cầu của khách hàng: “các doanh nghiệp nên suy nghĩ theo suy nghĩ của khách hàng thay vì nói rằng tôi giỏi về cái này hay cái kia, hãy mua hàng của tôi. Mà cần phải hỏi khách hàng họ cần gì? Tôi làm chưa được tôi sẽ cố gắng học hỏi và đầu tư thêm để cung cấp đúng cái thứ mà anh cần?”.

Trong lúc giới thiệu về những cơ hội tham gia vào chuỗi, Ông Michael Nguyễn, khẳng định một lần nữa để tham gia vào chuỗi cung ứng của Boeing không khó và hãng rất mong muốn tìm các nhà sản xuất, cung ứng linh kiện tại Việt Nam. Đặc biệt, những doanh nghiệp nào thực sự mong muốn, quyết tâm làm, Boeing sẽ đầu tư chuyên gia, tư vấn, dẫn dắt cho họ cho đến khi làm được. “Chỉ cần các doanh nghiệp Việt Nam nói tôi muốn làm và làm như thế nào, sẵn sàng đưa tay cho chúng tôi giúp đỡ, chúng tôi sẽ kết nối với các doanh nghiệp là những nhà cung cấp đã đạt tiêu chuẩn của Boeing cho các doanh nghiệp thăm quan học hỏi với hy vọng sau đó, nhiều liên doanh liên kết sẽ diễn ra”.

Trong vòng 20 năm tới, thế giới cần 48.600 máy bay, tăng gần gấp đôi so với năm 2022, khu vực Đông Nam Á cần khoảng 5000-10.000 máy bay mới (chiếm khoảng 20%) để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, trong đó Việt Nam là thị trường tiềm năng vì nhu cầu cần nhiều máy bay nhất. Thị trường này gần bằng thị trường Bắc Mỹ (Mỹ, Canada và Mexico). Điều đó cho thấy nhu cầu đối với ngành hàng không rất là to lớn. Chúng ta sẽ có tới 4,5 tỷ khách hàng trong tương lai.

Ngành hàng không cũng có nhiều thay đổi theo xu hướng của thế giới như công nghệ số, tự động hóa, tiết kiệm nhiên liệu, an toàn, sử dụng vật liệu nhẹ hơn, thân thiện và bảo vệ môi trường, có chứng chỉ SAF (nhiên liệu cho hàng không,…)…Hiện Việt Nam bay qua châu Âu chưa có Sab để dùng. Hay thế giới đang dùng máy bay không người lái (Taxi bay) để ra sân bay,… đang dùng nhiều ở Sanfrancisco, có thể sử dụng ở Nội Bài và các sân bay khác.

Nếu không nắm bắt nhanh xu hướng này, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không và các nhà cung ứng sẽ bị tụt hậu hoặc bị loại khỏi thị trường. Riêng đối với thị trường vận chuyển hàng không,ngành cần tạo ra 87,7 triệu công việc mới. Dù chỉ được một phần nhỏ trong đó, Việt Nam chắc chắn tăng sức cạnh tranh lên rất nhiều.

Boeing đang làm việc với 155 quốc gia. Tại Việt Nam, Tập đoàn đang làm việc ở 3 lĩnh vực: máy bay dân dụng. Boeing vào để hỗ trợ các hãng hàng không Việt Nam, đặc biệt các hợp đồng đặt mua tàu bay với Vietnam Airlines và Vietjet, Viettravel,…. Đây là động lực quan trọng để Boeing thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu tại Việt Nam.Boeing cũng đang làm việc với Bộ quốc phòng và Bộ Công an về an ninh quốc phòng. Sắp tới tại Long Biên, sẽ có cuộc triển lãm mà nhiều công ty Mỹ trong lĩnh vực này về tham gia triển lãm. Mảng thứ 3 là hỗ trợ Việt Nam nâng cao tính cạnh tranh thông qua các chương trình đào tạo và huấn luyện để có được đội ngũ nhân lực tay nghề cao đáp ứng không chỉ cho các doanh nghiệp trong nước mà cả quốc tế. Boeing tuyển 4 sinh viên vừa cho học tập và thực tập tại các doanh nghiệp ở việt nam và vừa gửi tới trung tâm kỹ sư tại California Mỹ. Các sinh viên này sẽ có cơ hội làm việc chung với các kỹ sư Mỹ tại môi trường của Boeing Mỹ. Các bạn sinh viên này sẽ học được rất nhiều từ thực tế doanh nghiệp. Họ sẽ là những hạt giống hỗ trợ cho tương lai của ngành nhân lực chất lượng cao của cơ khí hàng không vũ trụ Việt Nam. Chúng tôi mở các khóa đào tạo, huấn luyện cho các doanh nghiệp, các chuyên gia lãnh đạo cho ngành như Vietnam Airlines, Vietjet, Thành Công Hyundai, Tổng công ty cảng, sân bay… Phần thứ hai trong mảng này là Boeing mở mang chuỗi cung ứng cho ngành hàng không và cả vũ trụ.

Do đó, Boeing muốn mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ, qua đó, nâng cao năng lực hàng ngành hàng không vũ trụ của Việt Nam lên tiêu chuẩn quốc tế.Việt Nam còn có tiềm năng lớn đổi với thị trường bảo hành và bảo dưỡng, không chỉ đáp ứng trong nước mà cả cho khu vực Đông Nam châu Á.

Boeing muốn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam để trở thành nhà cung cấp của hãng. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước hoàn toàn có thể tham gia vào chuỗi cung ứng linh kiện, thiết bị ngành công nghiệp hàng không vũ trụ toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.

Giám đốc quốc gia của Boeing Việt Nam từng cho biết một chiếc máy bay Boeing 747 cần hơn 6 triệu linh phụ kiện. Để đáp ứng nhu cầu đầu vào cho sản xuất, Boeing phải tìm kiếm nguồn hàng từ nhiều nơi trên thế giới và Việt Nam là thị trường rất tiềm năng, người Việt Nam rất thông minh, linh hoạt và có khả năng làm được.

Tham gia như thế nào?

Theo ông Michael Nguyễn thì, chứng nhận AS9100 - Hệ thống quản lý chất lượng ngành hàng không dành cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, đang quan tâm và cân nhắc việc gia nhập ngành công nghiệp hàng không.

“Đây là 1 Chứng nhận thiết yếu dành cho các doanh nghiệp phụ trợ trong và ngoài nước, khi có ý định tham gia vào chuỗi cung ứng hàng không vũ trụ toàn cầu nói chung và của các tập đoàn như Boeing nói riêng. Với Chứng nhận AS9100, các doanh nghiệp trong và ngoài nước hoàn toàn có thể tham gia vào chuỗi cung ứng hàng không vũ trụ toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực này nói chung như Boeing, Airbus, Lockheed Martin... Tiếp đến các doanh nghiệp cần có tư duy mở, chịu khó học hỏi đầu tư công nghệ trang thiết bị, có tài chính vững vàng”, ông Michael Nguyễn cho biết.

Hiện Boeing đang tìm kiếm nhà cung cấp tại Việt Nam và hỗ trợ các công ty địa phương Việt Nam sẵn sàng tham gia vào ngành công nghiệp hàng không. Cùng với đó thúc đẩy hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất ngành hàng không vũ trụ.

“Hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp hàng không có các đối tác chiến lược sâu rộng, thân thiết chính là các bạn Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản đặc biệt quan tâm hỗ trợ cho Việt Nam nói chung và công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao nói riêng. Đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, họ cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất của mình”, ông Michael Nguyễn đề xuất các thành viên VAMI nên lưu ý đến vấn đề hợp tác này. Phía Nhật họ có kỹ thuật, nhưng phần bán hàng và MKT thì doanh nghiệp Việt Nam tốt hơn. Doanh nghiệp Việt Nam không quan trọng tham gia nhà cung ứng cấp 1,2 hay 3 quan trọng là làm từ những cái nhỏ nhất, có uy tín thông qua các nhà cung ứng chuẩn của Boeing, họ sẽ dạy lại cho.

Riêng với đào tạo, Giám đốc quốc gia của Boeing Việt Nam cho biết sẽ phối hợp với trường Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn để có thể mời chuyên gia Boeing về giảng dạy và huấn luyện theo các chủ đề. Vấn đề này hai bên sẽ có buổi làm việc sâu hơn.

Những đề nghị của phía Boeing đã được các doanh nghiệp thành viên VAMI đặc biệt quan tâm và lĩnh hội. Các doanh nghiệp nhận thấy giải pháp của Boeing gợi ý cho họ là khả thi và họ nhận ra cần làm như thế nào và bắt đầu từ đâu.

Chủ tịch VAMI đã cám ơn Giám đốc Boeing và kết luận một số nội dung cuối buổi tọa đàm. Các doanh nghiệp thành viên hiểu rõ hướng đi, và đối tác cần gì. Một điều quan trọng là buổi tọa đàm còn mở ra cơ hội không chỉ tham gia chuỗi cung ứng của Boeing mà còn chuỗi của các Tập đoàn khác. 

VAMI sẽ là nơi có thể kết nối giữa các doanh nghiệp thành viên, tổng hợp các đơn vị phù hợp có khả năng đáp ứng nhu cầu của hãng và cũng sẽ cùng làm việc với bên liên quan để giúp giúp các doanh nghiệp thành viên có thể sớm nắm bắt cơ hội này.

Ông Sáng đề nghị Giám đốc quốc gia của Boeing có thể giới thiệu cho VAMI và các thành viên danh sách những doanh nghiệp đang là nhà cung cấp của Boeing để các doanh nghiệp thành viên có thể học hỏi và “tận mục sở thị” tìm hiểu các quy trình và biết cách làm như nào. Những hoạt động kết nối sau buổi tọa đàm hôm nay sẽ còn được tiếp tục triển khai và lan tỏa rộng hơn nữa.

Theo tạp chí điện tử cơ khí và đời sống

wiget Chat Zalo Messenger Chat